IEEE 802 là gì? Nó có vai trò gì trong định hình kết nối Internet hiện đại?
IEEE 802 là gì ?
Cuộc sống hiện đại của chúng ta được bao quanh bởi các dịch vụ internet và thật khó hình dung mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ thế nào nếu các dịch vụ kết nối toàn cầu hóa này biến mất. Vậy điều gì góp phần kiến tạo nên kết nối internet IEEE 802 hiện đại ngày nay?
Đó là một hệ thống các quy chuẩn kết nối chung được xây dựng và quy định bởi một tổ chức quốc tế có tên gọi IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers – Viện Kỹ sư Điện và Điện tử). Tổ chức này được thành lập 40 năm trước, vào tháng 2 năm 1980 nhằm mục đích thống nhất các quy tắc chuẩn hóa giao thức mạng và mang đến cho các nhà sản xuất thiết bị mạng một quy chuẩn rõ ràng cần phải tuân theo, từ đó tạo ra các thiết bị ngoại vi có khả năng tương thích liền mạnh với nhau trên quy mô toàn ngành.
Lịch sử và sự hình thành của quy chuẩn mạng IEEE 802
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà cung cấp thiết bị mạng bắt đầu sản xuất những thiết bị phần cứng nhằm mang đến khả năng kết nối các hệ thống máy tính trên quy mô rộng lớn hơn. Tuy nhiên, mỗi công ty lại sở hữu các tiêu chuẩn mạng độc quyền phù hợp với thiết bị của mình, điều này khiến việc kết nối các hệ thống máy tính không sử dụng cùng một thiết bị mạng là vô cùng khó khăn. Trước thực trạng đó, các công ty đã ngồi lại với nhau và đi đến thống nhất xây dựng một khung chuẩn hóa các giao thức mạng để các thiết bị khác thương hiệu vẫn có thể tương thích tuyệt đối với nhau.
Các cuộc thảo luận ban đầu diễn ra vào năm 1979, và sau đó cuộc họp chính thức đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm 1980. Tháng tiếp theo, một yêu cầu về dự án gửi tới IEEE đã được phê duyệt, sẵn sàng xây dựng một tiêu chuẩn mới, được biết đến với tên gọi IEEE 802 (lấy từ thời điểm cuộc họp đầu tiên được tổ chức – tháng 2 năm 1980).
Mục tiêu ban đầu là thiết lập một giao thức mạng cục bộ duy nhất. Tuy nhiên các công ty đã không thể đạt được sự đồng thuận trên mức 75%. Vì vậy, ủy ban đã quyết định chia 802 thành các nhóm khác nhau.
Sự hình thành của 1 giao thức
Vào những năm 90, người ta bắt đầu khám phá khả năng tạo ra các chuẩn kết nối không dây theo nhóm bus token 802.4, thực chất là phương pháp thâm nhập mạng theo kiểu phát tín hiệu thǎm dò token qua các trạm và đường truyền bus. 802.4 thường được sử dụng trong các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng được sát nhập vào 802.11 – một tiêu chuẩn được biết đến ngày nay là Wi-Fi.
Đến năm năm 1999, IEEE phát hành các tiêu chuẩn wifi 802.11a và 802.11b, tạo ra làn sóng phổ biến của các sản phẩm không dây thương mại.
IEEE 802 cũng liên kết với các cơ quan thương mại có nhiệm vụ duy trì và tiếp thị những tiêu chuẩn nhất định: Nhóm 802.11 liên kết với Wi-Fi.org, trong khi 802.3 hoạt động với Ethernet Alliance. Cả Wi-Fi.org và Ethernet Alliance đều hoạt động để tiếp thị tiêu chuẩn và giúp các nhà sản xuất ngoại vi chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn liên quan.
IEEE 802 và các doanh nghiệp mạng
Đối với các công ty sản xuất thiết bị mạng và phần mềm liên quan, thông số kỹ thuật của các tiêu chuẩn IEEE đóng vai trò rất quan trọng. Các giao thức mạng này không chỉ xác định những tiêu chuẩn sử dụng cho dịch vụ Wi-Fi trên router gia đình, mà còn cả các giao thức được sử dụng cho cơ sở hạ tầng kết nối ở quy mô lớn hơn.
Vì lý do đó, các nhà sản xuất phần cứng rất quan tâm đến việc định hình các giao thức có lợi cho họ để có thể bán được nhiều sản phẩm phần mềm hoặc phần cứng hơn. Nhiệm vụ của IEEE là đảm bảo rằng không có tổ chức nào có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định chung. Paul Nikolich, chủ tịch IEEE 802 khẳng định không có bất cứ công ty nào có thể nắm quyền kiểm soát hoạt động bỏ phiếu liên quan đến một giao thức bất kỳ. Nếu IEEE nhận thấy một doanh nghiệp có biểu hiện thao túng, họ sẽ giảm quyền biểu quyết của những người đại diện cho doanh nghiệp đó.
Tương lai của IEEE 802
Trong tương lai, nhóm IEEE 802 đang nghiên cứu các tiêu chuẩn mới giúp cải thiện tốc độ ethernet thông lượng cao và kết nối liên thông qua Wi-Fi, cùng với đó là những tiêu chuẩn bảo mật và quyền riêng tư mạnh mẽ hơn cho tất cả các giao thức.
Bắt đầu từ năm nay, người tiêu dùng sẽ thấy nhiều sản phẩm Wi-Fi 6 hơn trên thị trường, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kết nối và cho phép nhiều thiết bị cùng kết nối với một nguồn duy nhất.
Xem chi tiết bài viết: